Nếu dự án Nụ Cười 1 và Nụ Cười 2 mang tính tiên phong thì dự án Nụ Cười 3 là một hình mẫu cho việc tổ chức và quản trị một quán cơm xã hội bán suất ăn giá rẻ 2.000 đồng. Anh chị Trần Trọng Thức cùng một đội ngũ cộng sự có trình độ đã xây dựng các quy trình quản lý mẫu mực từ cung ứng nguồn thực phẩm an toàn, chế biến các suất ăn sạch và ngon, ứng xử văn hóa với khách ăn là người lao động nghèo và sinh viên. Chúng tôi thường giới thiệu các đối tác đến tham quan và học hỏi từ Nụ Cười 3 khi có các dự án quán cơm giá rẻ mới.
Nụ Cười 3 luôn ấm áp tình người, đây là nơi phát động nhiều chương trình từ thiện đầy sáng tạo nhằm hỗ trợ người nghèo. Là quán đầu tiên bán quần áo và sách báo cũ cũng với giá 2.000 đồng, Nụ Cười 3 còn có phiên chợ Tết đồng giá cho người lao động nghèo trước thềm năm mới với những món hàng Tết mà người nghèo không bao giờ dám mơ tới với giá chỉ 2.000 đồng một món. Và cảm động nhất, thiết thực nhất có lẽ là những chuyến xe mùa Xuân đưa người nghèo về quê ăn Tết hàng năm.
Không chỉ thụ động kêu gọi nguồn thu từ nhà hảo tâm, anh chị và các tình nguyện viên rất chủ động, định kỳ tổ chức các Phiên chợ đồ cũ kiểu Garage Sales, các buổi buffet chay để duy trì một nguồn thu ổn định, an toàn tài chánh cho quán.
Vậy mà cuối năm 2018, sau gần 6 năm vận hành, anh chị ngõ ý muốn chuyển giao điều hành quán Nụ Cười 3 lại cho Quỹ Bông Sen để tập trung vào các dự án hỗ trợ giáo dục. Lúc đó, Nụ Cười 3 đang cực kỳ lớn mạnh về tài chánh cũng như hùng mạnh về nhân sự. Thật sự chúng tôi rất bất ngờ bởi chúng tôi biết rằng Nụ Cười 3 đối với anh chị như đứa con rứt ruột đẻ ra, làm sao mà từ bỏ được. Từng cái bàn, cái ghế ở đây cũng thân thuộc, quyến luyến như có linh hồn. Tuy nhiên, sau khi nghe anh chị trình bày niềm đam mê, nhiệt huyết đóng góp cho xã hội qua dự án Em Đến Trường cùng với tính hữu hiệu và nhân văn của dự án, chúng tôi mới hiểu anh chị đã có một quyết định hoàn toàn đúng.
Chúng tôi đã từng có nhiều dịp trao tặng học bổng cho học sinh sinh viên nghèo. Tùy vào tiêu chí của nhà tổ chức hoặc yêu cầu của nhà hảo tâm, mỗi chương trình học bổng có đối tượng và tiêu chí riêng nhưng phần lớn là “nhà nghèo – học giỏi”. Rất nhiều tổ chức từ thiện và rất nhiều Quỹ học bổng đã giúp đỡ học sinh sinh viên nghèo khá hiệu quá, hỗ trợ sự nghiệp giáo dục chung cho cả nước nhưng cách làm của chương trình Em Đến Trường thì rất khác.
Em Đến Trường là một chương trình bảo trợ cho các học sinh nhà nghèo, gia đình đang trải qua cơn quẫn bách khiến các em tiến gần đến bờ vực bỏ học, dù trong các em, giấc mơ đến trường vẫn còn đó. Những em học sinh đó rất có thể không học giỏi, thường thì quá nghèo thì khó có thể học giỏi.
Vận hành Em Đến Trường là một đội ngũ nhân viên dự án có kỹ năng và có tấm lòng, mỗi nhân viên phụ trách khoảng 10 học sinh đang có nguy cơ bỏ học. Anh Thức tâm sự “dù cháy bỏng ước mơ đến trường, ước mơ gặp thầy gặp bạn và hi vọng một tương lai sáng sủa hơn, không phải tất cả các em đều được tạo điều kiện để tập trung chuyện học, mà những đôi vai bé bỏng phải sớm gánh vác việc mưu sinh phụ giúp gia đình. Sau giờ tan trường, một số học sinh miệt mài cuốc bộ bán vé số, mua ve chai, quần quật bưng bê, phục vụ, rửa chén trong các quán xá ban đêm cần lao động rẻ mạt…”
Trong khi bao em bé tuổi teen ngồi sau xe máy bố mẹ đưa đến trường mỗi ngày thì không ít học sinh của Em Đến Trường có cha mẹ bị thất nghiệp, bị tai nạn lao động; hoặc vợ chồng chia tay khiến con cái tan đàn sẻ nghé; hay do không còn khả năng trả nợ vay nặng lãi nên cha mẹ đành gởi con cho người quen để lánh đi nơi khác; thậm chí có em thường xuyên bị cha bạo hành sau mỗi cơn say…Hoàn cảnh vậy nên Em Đến Trường không có tiêu chí học giỏi mà thay vào đó là “Em còn ước mơ đến trường không?”
Nhân viên dự án sẽ bắt đầu bằng một lộ trình tiếp cận, nắm bắt hoàn cảnh, tâm sự chia sẻ để trở thành chỗ dựa tin cậy cho các em. Có khi, nhân viên dự án là vai trò người anh người chị, có khi như bảo mẫu, có khi như bạn bè thân thiết. Nhân viên dự án phải làm tất cả cho cái tuổi teen dễ sa ngã khi đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt, túng thiếu quanh năm và cả sự ghẻ lạnh của người thân xô đẩy các em bỏ học.
Ngoài ra, để giúp các học sinh yếu có thể theo kịp bạn bè, “Lớp Dạy Thêm” đã được thành lập – trước mắt tập trung vào môn Toán và Anh văn, đồng thời hướng tới một nội dung quan trọng là trang bị kỹ năng sống (giao tiếp xã hội, tự bảo vệ, tự lập…) giúp các em có sự tự tin để biến những áp lực của hoàn cảnh thành động lực hầu cải thiện số phận.
Năm học 2019-2020 có 80 trường hợp đang được chương trình Em Đến Trường chăm sóc. Những nhân viên dự án lặng lẽ làm việc, lặng lẽ đeo bám từng trường hợp. Có khi nửa đêm nhận cuộc gọi kêu cứu từ các em bố mẹ bỏ nhà đi trốn nợ, các em long đong không có chỗ ở. Có khi kêu cứu vì bố mẹ cãi vả đánh nhau. Vô vàn hoàn cảnh cho những gia đình nghèo và bất hạnh. Ở quán cơm 2.000 đồng, lâu lâu cũng có hoa hậu hay diễn viên đến phục vụ và chụp hình bênh cạnh người nghèo. Còn dự án Em Đến Trường, mọi việc diễn ra thầm lặng, ít được cộng đồng quan tâm, nhưng nơi đây lại rất ấm tình người.
Không chỉ bảo trợ chuyện học, Nụ Cười 3-Em Đến Trường còn có chương trình “Cung cấp suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo”, hiện đang lo bữa ăn trưa cho 414 học sinh các Lớp học tình thương.
Dự án Em Đến Trường đã tầm gửi vào quán Nụ Cười 3 suốt 5 năm, đến đầu năm 2019 thì tách ra thành dự án độc lập. Ngoài khoản tiền chi phí học tập, sinh hoạt cho các em, còn rất nhiều chi phí không tên khác mà dự án phải trang trải.
Đến nay, phạm vi hoạt động của dự án chỉ chung quanh vài quận của Saigon. Ước mơ gì, mà tại sao không ước mơ dự án Em Đến Trường được nhân rộng ra cả nước.
Em muốn đi học, em muốn đến trường đến lớp, em muốn gặp thầy gặp bạn, em hi vọng một tương lai sáng sửa hơn là quá khứ đầy túng quẫn, là những tháng ngày nheo nhóc đầy nước mắt của bố mẹ em. Ai sẽ chìa tay ra giúp các em?
Lê Văn Chính
Quỹ Bông Sen