Quy tắc ứng xử

MƯỜI QUY TẮC ỨNG XỬ

CHO THÀNH VIÊN QUỸ TỪ THIỆN BÔNG SEN

 Quỹ từ thiện Bông Sen cần phải được điều hành chuyên nghiệp và hiệu quả như mô hình tổ chức một doanh nghiệp. Tất cả thành viên gia nhập bộ máy của Quỹ Từ thiện Bông Sen cần tham khảo Quy chế Tác viên và áp dụng những quy tắc ứng xử sau đây trong công việc.

Quy tắc 1: Mục đích

Chúng ta làm từ thiện là để cám ơn cuộc đời đã cho chúng ta quá nhiều may mắn, để đem niềm vui đến cho mọi người và cho cả chính chúng ta. Chúng ta không mưu cầu điều gì khác hơn là niềm vui và bình yên cho tất cả.

Qua các hoạt động từ thiện, chúng ta nỗ lực lan tỏa lòng nhân ái đến cộng đồng để che mờ hình ảnh bạo lực, hình ảnh cái ác. Không chỉ trao tặng tài vật cho người nghèo, chúng ta chú trọng chuyển hóa khổ đau trong lòng người, hình ảnh hiền hòa và đẹp đẽ của cái thiện sẽ tưới mát lên ngọn lửa khổ đau bởi cái ác.

Quy tắc 2: Đối với tiền quyên góp được và tiền chi phí bộ máy

Tiền quyên góp là các đóng góp của nhà hảo tâm cho Quỹ, chúng ta gọi là “tiền thiêng liêng”. Những đóng góp dù ít dù nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng, phải được trân trọng chuyển hết cho người thụ hưởng.

Nguyên tắc của quỹ là chi phí quản trị bằng không, không lấy từ nguồn tiền đóng góp của nhà hảo tâm. Tuy nhiên, thực tế Quỹ phải được quản trị hiện đại, phải có đội ngũ chuyên nghiệp…nghĩa là vẫn rất cần chi phí nuôi bộ máy. Nhóm công tác Phương Tiện, đối tác của Quỹ phải làm ra số tiền để trang trải chi phí hoạt động cho Quỹ. Số tiền mà nhóm công tác Phương Tiện làm ra để nuôi bộ máy của Quỹ gọi là “tiền phương tiện”.

Trong quá trình hoạt động, nếu có sơ suất mà làm tổn hao tiền phương tiện thì mọi người phải rất hối hận, còn nếu sơ suất tổn hao đến tiền thiêng liêng, hoặc sử dụng chưa đúng mục đích thì mọi người phải rất đau đớn.

Quy tắc 3: Đối với công việc: cần chuyên nghiệp

Mỗi thành viên đều phải hoạt động theo đúng quy trình trong một bộ máy chuyên nghiệp, chặt chẽ và hiệu quả. Giao kết công việc đều phải thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là “hợp đồng lao động” và mỗi thành viên, nếu cần có thể nhận lương để có trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó. Các bản mô tả công việc, quy trình, quy phạm phải được ban hành dễ hiểu và dễ nhận biết. Chúng ta không thể “thích thì làm mà chán thì bỏ”. Thảnh thơi nhưng nghiêm túc, chúng ta làm việc cho Quỹ từ thiện theo áp lực của giao kết, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Các hợp đồng lao động dài hạn sẽ thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo đúng yêu cầu của luật Lao động. Đối với hợp đồng thời vụ, các khoản bảo hiểm được trả thẳng vào lương cho người lao động. Cần chú ý là toàn bộ chi phí này đều do nhóm công tác Phương Tiện, đối tác của Quỹ sẽ trang trải.

Quy tắc 4: Đối với đồng sự: cần hòa khí

Chúng ta có rất nhiều người cùng chí hướng, chung vai góp sức thực hiện các dự án. Giữ hòa khí và tôn trọng, quý mến lẫn nhau là những nguyên tắc rất căn bản của các thành viên trong Quỹ. Tất nhiên sẽ có ý kiến khác nhau giữa các đồng sự về phương pháp làm việc. Trong trường hợp đó, cần ngồi lại với nhau để thảo luận trong hòa khí và tìm ra cách làm tốt nhất có thể được. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì quyết định thuộc về người có thẩm quyền lớn hơn. Khi đã có quyết định cuối cùng thì tất cả đều phải tuân thủ. Xem thêm Quy chế Tác viên

Quy tắc 5: Đối với người thụ hưởng: cần yêu thương và trân trọng

Những người thụ hưởng sự giúp đỡ của Quỹ từ thiện là những người nghèo, những người bất hạnh, không may mắn trong cuộc đời. Họ rất mặc cảm khi phải tiếp nhận sự giúp đỡ của chúng ta. Và họ cũng rất dễ bị tổn thương. Toàn thể tác viên, tình nguyện viên của Quỹ từ thiện phải luôn luôn giữ gìn sự kính trọng, quý mến và yêu thương họ. Có khi do cuộc đời đưa đẩy, mưu sinh khắc nghiệt, họ tỏ ra đối phó, vô kỷ luật, thậm chí thiếu trung thực thì họ vẫn là đối tượng mà chúng ta cần hết sức yêu thương, nâng đỡ. Dù trong bất kỳ tình huống nào, thành viên của Quỹ từ thiện tuyệt đối không được buông lời nói nặng nề, gắt gỏng với người người thụ hưởng.

Đôi khi người thụ hưởng có biểu hiện bên ngoài là người giàu có, lợi dụng lòng tốt, thí dụ khách ăn vẻ ngoài sang trọng vào ăn cơm 2.000đ. Chúng ta không nên có phản ứng từ chối hay xua đuổi sự lợi dụng nếu chỉ xét đoán vẻ ngoài. Bởi nếu lỡ họ tuy bề ngoài sang trọng nhưng đang thật sự khó khăn, mà chúng ta từ chối và nặng nhẹ, thì chúng ta đã gây ra một tội ác không thể nào tha thứ. Chúng ta “thà bỏ sót chứ không thể giết lầm”.

Quy tắc 6:  Đối với các quỹ từ thiện khác: cần cúi đầu học hỏi

May mắn trong cuộc đời này là bên cạnh chúng ta, vẫn có rất nhiều người, nhiều tổ chức đồng điệu với chúng ta trong các hoạt động từ thiện. Chúng ta thật sự biết ơn và kính phục những con người, những tổ chức này. Chúng ta dù đã cố gắng rất nhiều, vẫn còn hết sức nhỏ bé trước những hoạt động hiệu quả của họ. Chúng ta rất vui mừng nếu được cùng chia sẻ và học hỏi từ các tổ chức từ thiện khác. Chúng ta nghiêng mình kính trọng tất cả các tổ chức từ thiện khác, cho dù đó là những tổ chức còn trong quy mô nhỏ, hoạt động chưa mấy hiệu quả, bởi chúng ta quý trọng những tấm lòng.

Chúng ta tham gia Quỹ từ thiện với động cơ trong sáng nhưng chúng ta vẫn rất có thể bị hiểu lầm. Nhiều người có rất ít niềm tin về điều tốt đẹp, trong lúc muộn phiền, vẫn có thể cho là chúng ta làm từ thiện bởi những động cơ kia khác như đánh bóng tên tuổi, PR thương hiệu v.v… Đôi khi họ phê phán và chỉ trích chúng ta nặng nề. Đối với các lời phê phán và chỉ trích đó, chúng ta vẫn phải bình tâm lắng nghe, gạn lọc những lý lẽ xác đáng có thể có, để học hỏi, để làm tốt hơn. Chúng ta thành tâm muốn làm tốt, muốn sửa sai. Chúng ta không độc quyền lẽ phải.

Quy tắc 7: Đối với nhà hảo tâm: không phân biệt

Chúng ta kính trọng và biết ơn các nhà hảo tâm với lòng không phân biệt, cho dù đóng góp món tiền kếch sù hay chỉ vài khoản tiền nhỏ. Chúng ta không quan tâm đến nhân thân người đóng góp, lòng tốt dù chỉ hé lộ trong khoảnh khắc thì cũng đủ chúng ta thấy ấm lòng.

Đôi khi có những nhà hảo tâm đóng góp đính kèm với những điều kiện khó hiểu như bắt Quỹ quảng bá tên tuổi, nói sai sự thật hoặc nói quá lên về những đóng góp của họ để mưu cầu lời khen tặng của xã hội. Họ in hình đang làm từ thiện dán lên khắp nơi. Chúng ta vẫn không nên ác cảm với những nhà hảo tâm như vậy, bởi chắt lọc trong sự hiếu danh đó vẫn có mầm mống của hạt giống thiện, dù đang rất bé nhỏ nhưng mai sau sẽ nẩy mầm. Và riêng chúng ta, chỉ tiếp xúc truyền thông trong trường hợp thật cần thiết, để tránh bị hiểu lầm động cơ từ thiện.

Quy tắc 8: Đối với pháp luật và công quyền

Quỹ từ thiện Bông Sen là Quỹ xã hội, do tư nhân thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Chúng ta phải tuân thủ sự quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

Quy tắc 9: Tôn giáo và chính trị

Quỹ từ thiện Bông Sen là một tổ chức phi lợi nhuận, không phải là tổ chức tôn giáo và cũng không phải là tổ chức chính trị. Chúng ta không tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo và chính trị nào. Trang web, diễn đàn của Quỹ cũng không được đề cập đến tôn giáo và chính trị.

Quy tắc 10: Minh bạch thông tin

Tất cả thông tin về hoạt động của Quỹ cần được đưa hết lên trang web của Quỹ. Chúng ta không được phép và cũng không cần thiết cất giấu thông tin. Minh bạch tài chính là yêu cầu hàng đầu của Quỹ. Đặc biệt các thông tin về tài chính cần phải được cập nhật chính xác và nhanh chóng. Cố gắng dùng nhiều nhất các thông tin bằng hình ảnh thay cho các văn bản khô khan.

lvc 5/2018

phiên bản 2022.6